Nội dung, thủ đoạn hiện nay của chiến lược “Diễn biến hòa bình” chống phá cách mạng nước ta
“Diễn biến hòa bình” (DBHB) là một chiến lược phản cách mạng do các thế lực thù địch tiến hành nhằm thủ tiêu chế độ XHCN và chống phá các nước phát triển theo hướng tiến bộ bằng các biện pháp phi vũ trang, thúc đẩy “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” nội bộ. Nhận thức đúng đắn về nội dung, thủ đoạn thực hiện chiến lược DBHB của các thế lực thù địch đối với nước ta hiện nay và tích cực đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn đó, là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng.
Lúc đầu, chiến lược DBHB do các thế lực thù địch đề xuất và tổ chức thực hiện nhằm ngăn chặn, chống phá các nước XHCN. Đến đầu những năm 60 của thế kỷ XX, chiến lược đó được mở rộng ra đối với các nước độc lập dân tộc phát triển theo hướng tiến bộ. Qua hơn nửa thế kỷ tồn tại, chiến lược DBHB đã trải qua 3 giai đoạn chủ yếu:
Giai đoạn hình thành, khảo nghiệm chiến lược DBHB để ngăn chặn CNXH (từ cuối những năm 50 đến giữa những năm 80 của thế kỷ XX): các thế lực thù địch tập trung ngăn chặn CNXH và chủ nghĩa cộng sản bằng biện pháp quân sự là chủ yếu; DBHB ngày càng được chú ý phát triển thành một chiến lược chống cộng hoàn chỉnh. Giai đoạn thực hiện chiến lược DBHB để xóa bỏ CNXH (từ giữa những năm 80 đến đầu những năm 90 của thế kỷ XX): các thế lực thù địch có sự chuyển hướng trọng điểm từ kiềm chế, răn đe bằng quân sự là chủ yếu sang thực hiện DBHB để thủ tiêu hệ thống XHCN; DBHB trở thành bộ phận quan trọng nhất trong chiến lược toàn cầu phản cách mạng. Giai đoạn đẩy mạnh thực hiện chiến lược DBHB, tiến hành “cách mạng màu” để xóa bỏ hoàn toàn CNXH, chống phá độc lập dân tộc của các nước phát triển theo hướng tiến bộ (từ đầu những năm 90 của thế kỷ XX đến nay): trên cơ sở điều chỉnh chiến lược toàn cầu, các thế lực thù địch chuyển hướng sang tiến hành “chiến lược can dự”, tăng cường can thiệp vào các nước bằng các biện pháp cứng rắn, sẵn sàng “đánh đòn phủ đầu”, “giành quyền tiến công trước”; đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện DBHB, tiến hành “cách mạng màu” nhằm thủ tiêu hoàn toàn CNXH; khống chế các quốc gia, dân tộc ở những khu vực có vị trí địa chiến lược quan trọng trên thế giới.
Việt Nam là một nước kiên trì đi theo con đường XHCN, có vị trí quan trọng trong khu vực Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương, nên các thế lực thù địch tập trung chống phá hết sức quyết liệt. Thực tế nhiều năm qua cho thấy, chiến lược DBHB của các thế lực thù địch đã được triển khai thực hiện ở nước ta với nội dung toàn diện, bằng nhiều thủ đoạn thâm độc.
Để thực hiện chiến lược DBHB ở Việt Nam, các thế lực thù địch đã chọn lĩnh vực chính trị làm khâu đột phá, coi đó là khâu giữ vai trò quan trọng hàng đầu. Chúng tập trung xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; tuyên truyền hệ tư tưởng tư sản, tư tưởng xã hội - dân chủ, truyền bá chủ nghĩa tự do mới, chủ nghĩa thực dụng; xuyên tạc, phủ nhận Cương lĩnh, đường lối chính trị của Đảng; lôi kéo “những người bất đồng chính kiến” hòng tạo dựng “ngọn cờ đối lập”. Chúng tìm cách công khai hóa, hợp pháp hóa các tổ chức chính trị đối lập, tài trợ cho các hoạt động tuyên truyền chống chế độ. Chúng tập trung xây dựng lực lượng ngầm, tập hợp lực lượng chống đối, tìm cách tác động vào công tác tổ chức, cán bộ để phân hóa, chia rẽ nội bộ ta. Sự chống phá của các thế lực thù địch đối với hệ thống chính trị ở nước ta chủ yếu nhằm phủ nhận và loại bỏ sự lãnh đạo của Đảng, chia rẽ mối quan hệ giữa Đảng với Nhà nước và các tổ chức trong hệ thống chính trị. Chúng xuyên tạc, phê phán nguyên tắc tổ chức và hoạt động, mối quan hệ giữa các thiết chế quyền lực của Nhà nước XHCN; thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về lập pháp, hành pháp và tư pháp theo cơ chế “tam quyền phân lập”, hình thành chế độ đa đảng đối lập; lấy “dân chủ”, “nhân quyền” làm chiêu bài để công kích thể chế chính trị của Việt Nam; chuẩn bị các yếu tố, điều kiện để khởi phát “cách mạng màu”, gây rối loạn chính trị trong nước, tạo cớ can thiệp từ bên ngoài.
Cùng với chống phá về chính trị, các thế lực thù địch đã tập trung phá hoại ta trên lĩnh vực kinh tế, coi đó là mũi nhọn trong thực hiện chiến lược DBHB ở Việt Nam. Chúng xuyên tạc những quan điểm kinh tế cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN;tuyên truyền cho tính ưu việt của kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa (TBCN). Các thế lực thù địch tìm mọi cách tác động nhằm chuyển hóa hệ thống pháp luật kinh tế, đẩy nhanh quá trình tư nhân hoá nền kinh tế. Từ thủ đoạn “bao vây, cấm vận” (sau 30-4-1975) không thành công, chúng buộc phải chuyển sang gỡ bỏ cấm vận. Song, chúng lại lợi dụng “bình thường hoá quan hệ”, xúc tiến và trao đổi thương mại, đầu tư phát triển..., lợi dụng các công cụ kinh tế như tài chính, tiền tệ, ngân hàng, tín dụng, thuế quan, bảo hiểm..., các thiết chế thương mại, tài chính, tiền tệ quốc tế như Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Ngân hàng thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng phát triển châu Á (ADB)... để gây sức ép, nhằm chuyển hóa nền kinh tế Việt Nam theo con đường TBCN. Chúng sử dụng “mồi nhử” viện trợ, cho vay, đầu tư nước ngoài... kèm theo điều kiện chính trị, gắn với những đòi hỏi về cải thiện dân chủ, nhân quyền để can thiệp vào công việc nội bộ ta.Chúng hạ thấp, phủ nhận vị trí, vai trò của sở hữu nhà nước, sở hữu tập thể và thành phần kinh tế nhà nước cùng kinh tế tập thể; khuyến khích cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước theo hướng tư nhân hóa, hỗ trợ phát triển sở hữu tư nhân và khu vực kinh tế tư nhân, tạo môi trường kinh tế có lợi cho chủ nghĩa tư bản (CNTB). Chúng còn dùng tiền bạc, thông qua các chương trình đào tạo, huấn luyện để mua chuộc, lôi kéo, làm tha hoá đội ngũ cán bộ quản lý kinh tế trong bộ máy nhà nước ta.
Các thế lực thù địch coi việc thúc đẩy DBHB trên lĩnh vực văn hóa - xã hội là khâu quan trọng. Chúng xuyên tạc, phủ nhận đường lối, chính sách xây dựng và phát triển văn hóa - xã hội của Đảng và Nhà nước ta. Chúng lợi dụng mở cửa, giao lưu văn hóa để quảng bá, tuyên truyền, phổ biến hệ giá trị, chuẩn mực văn hóa, đạo đức của xã hội tư sản phương Tây; thông qua đó, làm phai nhạt truyền thống và bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, nhất là trong thế hệ trẻ. Chúng tích cực sử dụng các phương tiện truyền thông để truyền bá những quan điểm sai trái, thù địch; thúc đẩy “tự chuyển hoá” trong đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, phóng viên... Lợi dụng quá trình đổi mới về kinh tế, văn hóa, xã hội ở Việt Nam chúng tìm cách tác động hòng thúc đẩy biến đổi cơ cấu xã hội - giai cấp, phân tầng và phân hóa xã hội theo mô hình xã hội TBCN, nhằm xây dựng cơ sở xã hội của CNTB ở Việt Nam. Chúng xuyên tạc, phủ nhận đường lối, quan điểm của Đảng, chủ trương và thành tựu giáo dục - đào tạo của Nhà nước ta, tuyên truyền cho tính ưu việt của hệ thống giáo dục - đào tạo TBCN. Lợi dụng giao lưu về giáo dục - đào tạo, chúng mưu toan chuyển hóa tư tưởng của giới trí thức, sinh viên, học sinh...Chúng lợi dụng những hạn chế, yếu kém, sai lầm của chính quyền các cấp trong thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo để kích động quần chúng biểu tình, gây rối an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở các địa bàn chiến lược, như: ở Tây Nguyên năm 2001 và 2004; các vụ gây rối ở 42 Nhà Chung, 178 Nguyễn Lương Bằng (Hà Nội) năm 2008, tại Khu bảo tồn chứng tích tội ác chiến tranh ở Tháp chuông nhà thờ Tam Tòa (Quảng Bình) năm 2009 v.v.
Các thế lực thù địch coi việc thực hiện DBHB trên lĩnh vực quốc phòng - an ninh (QP-AN) là khâu then chốt, lĩnh vực đối ngoại là khâu hỗ trợ quan trọng. Chúng tập trung xuyên tạc, phủ nhận đường lối, quan điểm QP-AN của Đảng, chủ trương, chính sách QP-AN của Nhà nước ta. Chúng tìm mọi cách “phi chính trị hóa” quân đội và công an; tuyên truyền, chia rẽ mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với quân đội và công an; gây mâu thuẫn trong nội bộ lực lượng vũ trang (LLVT). Lợi dụng các mối quan hệ, tiếp xúc về QP-AN, chúng mua chuộc cán bộ, chiến sĩ LLVT, làm chuyển hóa nội bộ LLVT về nhân sự, tổ chức; tìm cách thâm nhập, điều tra bí mật QP-AN, bí mật quân sự, đặc biệt là khả năng phòng thủ đất nước, trình độ, khả năng tác chiến của quân đội, tổ chức, biên chế, trang bị của LLVT, phương án xử trí trong các tình huống QP-AN; lôi kéo Việt Nam tham gia các liên minh quân sự. Chúng tổ chức các hoạt động tình báo, gián điệp, gây cơ sở và phá hoại từ bên trong; kích động bạo loạn lật đổ, ly khai; khi gặp tình huống và thời cơ thuận lợi chúng có thể tổ chức lực lượng phản ứng nhanh, gây xung đột vũ trang để hỗ trợ cho lực lượng phản động bên trong tiến hành bạo loạn ở những địa bàn xung yếu, tổ chức tập kích đường không vào những mục tiêu chiến lược của ta, không loại trừ khả năng tạo cớ tiến hành chiến tranh xâm lược khi thời cơ chín muồi. Chúng xuyên tạc đường lối đối ngoại của Đảng, chủ trương và chính sách đối ngoại của Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam, chia rẽ, gây mâu thuẫn giữa Việt Nam với các nước láng giềng, khu vực và cộng đồng quốc tế. Chúng sử dụng các tổ chức ngoại giao của chính phủ, tổ chức ngoại giao nhân dân, các tổ chức phi chính phủ (NGO) để đòi Việt Nam thực hiện các giá trị tự do, dân chủ, nhân quyền theo kiểu phương Tây.
Nhìn tổng quát, chiến lược DBHB của các thế lực thù địch sử dụng phương thức tiến công tổng hợp, toàn diện, “mềm, ngầm, sâu”, dựa vào lực lượng đối lập phản động trong nước, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” bên trong nội bộ ta là chính; đẩy mạnh đấu tranh phi vũ trang là chủ yếu, kết hợp kích động bạo loạn lật đổ, ly khai, thực hiện răn đe quân sự từ bên ngoài, gây áp lực để làm tan rã, sụp đổ chế độ. Thực hiện phương châm “lấy chính trị làm đột phá; kinh tế là mũi nhọn; dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền làm ngòi nổ; QP-AN là then chốt; ngoại giao là hỗ trợ”, các thế lực thù địch sử dụng đa dạng các biện pháp, kết hợp nhiều thủ đoạn thâm độc để tiến hành DBHB.
Nhận thức đầy đủ âm mưu, thủ đoạn thực hiện chiến lược DBHB của các thế lực thù địch trong tình hình mới là cơ sở để cán bộ, chiến sĩ trong LLVT và nhân dân thường xuyên nâng cao ý thức cảnh giác, tăng cường trách nhiệm, tích cực đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn phá hoại của các thế lực thù địch, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Đại tá, PGS, TS. NGUYỄN XUÂN THÀNH
Chủ nhiệm Khoa CTĐ, CTCT
Học viện Quốc phòng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét